Trong nét văn hóa cổ truyền của dân tộc ngày Tết có ý nghĩa rất thiêng liêng, đây là lúc mọi người trở về bên gia đình của mình để sum vầy. Thuyết minh về ngày Tết là một trong những đề bài thuộc chủ đề văn thuyết minh của các em học sinh. Không chỉ khơi gợi cho các em lòng yêu nước, tự hào dân tộc, biết quý trọng gia đình mà đây cũng là cách giúp các em rèn luyện kỹ năng diễn đạt thành bài văn. Nếu các em chưa có ý tưởng nào cho bài văn của mình hãy đọc các bài văn mẫu có chọn lọc sau đây để tham khảo trước khi viết nhé.
Giới thiệu dàn ý tham khảo bài thuyết minh về ngày tết
Tết là nét đẹp văn hóa của dân tộc
Mở bài:
Giới thiệu ngày Tết là đặc trưng văn hóc của dân tốc ta, mỗi năm chỉ có một dịp lễ Tết, nêu ý nghĩa của ngày Tết là gì.
Thân bài:
- Em có thể giới thiệu về nguồn gốc của ngày Tết
- Các giai đoạn công việc trước, trong, sau tết như thế nào: tất niên, giao thừa, xuất hành, hái lộc, chúc tết, hóa vàng…
- Thuyết minh về ý nghĩa của từng ngày trong 3 ngày tết: mùng 1 tết cha, 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy.
- Nêu những lễ vật trong ngày tết, những điều kiêng kỵ không nên làm trong ngày tết.
Kết bài:
Cảm nhận của em về ngày tết như thế nào, em có thích hay không, chúng ta nên gìn giữ nét đẹp văn hóa này.
Bài văn thuyết minh về ngày tết mẫu số 1
Ngày tết là ngày đoàn viên, sum họp
Việt Nam là một trong nước Đông Nam Á giữ tục lệ đón Tết theo lịch âm tức là Tết nguyên đán, ngày Tết là ngày ai ai ở xa cũng trở về nhà để sum họp, con cháu nhớ tới tổ tiên ông bà, mọi người gần gũi nhau hơn, cầu chúc sang năm mới gặp nhiều may mắn, làm ăn mát mẻ, mưa thuận gió hòa. Với mỗi người, ngày Tết rất ý nghĩa và thiêng liêng, trải quả hàng nghìn năm lịch sử nét truyền thống lâu đời này vẫn giữ nguyên vẹn vẻ đẹp của nó.
Tết thường rơi vào khoảng cuối năm âm lịch và nếu tính theo ngay dương lịch thì khoảng cuối tháng 1 đến đầu tháng 2. Thông thường, để chuẩn bị cho dịp lễ trọng đại này mọi người sẽ được nghỉ học, nghỉ làm trước Tết vài ngày để những ai ở xa có thể bắt tàu xe để kịp về quê, chuẩn bị lễ vật để đón Tết. Là một dịp lễ lớn của dân tộc nên những ngày này ai ai cũng rất háo hức và vui vẻ, trong lòng như rạo rực, xôn xao hơn, có thể sum vầy cùng những người thân cả năm chưa gặp, cùng nhau ăn bữa cơm đoàn viên, gửi nhau những lời chúc mừng năm mới. Bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp – đưa ông Công, ông Táo lên trời báo cáo với Ngọc Hoàng 1 năm làm ăn, học hành của gia chủ thì cũng là lúc mọi người rục rịch chuẩn bị cho Tết. Nhà nào nhà nấy sắm sửa rất nhiều đồ mới, trang hoàng lại nhà cửa, mua bánh kẹo, thịt, giò, chả, và chuẩn bị những món thắp hương tổ tiên như gói bánh chưng, gói nem…Đến tối ngày cuối cùng trong năm sẽ có một mâm cơm cúng tất niên, mâm cơm được các mẹ chuẩn bị kỹ lưỡng gồm nhiều món ăn truyền thống để đón tổ tiên về chung vui đón chào năm mới cùng với con cháu. Sang các ngày mùng 1, mùng 2, mùng 3 đều đặn mỗi ngày 3 bữa cơm cũng đều phải thực hiện để cúng như vậy. Ngoài tục lệ cúng cơm thì trong ngày Tết còn có tục đi xông đất hay tục đi chúc mừng năm mới. Quan niệm dân gian cho rằng nếu ngày đầu năm được một người hợp mệnh, hợp vía với gia chủ đặt chân đầu tiên đến chúc mừng trong ngày mùng 1 thì cả năm sẽ rất may mắn, làm ăn phát đạt. Vì thế trước khi sang năm mới mọi người thường xem trong số anh em, bạn bè của mình có ai hợp tuổi sẽ nhờ vả trước là đến năm mới sang để xông nhà. Sáng ngày mùng 1 Tết mọi người ai nấy mặc những bộ trang phục đẹp đẽ nhất đi đến từng nhà chúc mừng năm mới, ai cũng vui vẻ rạng rỡ, bỏ qua hết những hiểu lầm, xích mích nhau, ngày Tết chỉ trao cho nhau tiếng cười, niềm vui. Người trẻ chúc người lớn tuổi, người thân hay bạn bè đến chúc gia chủ sức khỏe, phát tài, phát lộc sau đó sẽ đổi lại được những phong bao lì xì đỏ của gia chủ chúc lại là học hành giỏi giang, sức khỏe, may mắn. Đây không chỉ là phong tục mà còn là cách mọi người thể hiện tình cảm với nhau, cầu mong hạnh phúc đến với những người mình thương yêu. Ngày tết còn có tục đi lễ chùa đầu năm mới, vào những ngày này các chùa chiền rất đông đúc, mọi người đi cầu may, cầu tài, cầu duyên. Cũng không thể không nhắc đến các trò chơi dân gian trong những ngày lễ, tùy từng địa phương mà tổ chức các trò chơi khác nhau theo phong tục như ở ngoài Bắc có các trò cờ người, chọi gà, kéo co, còn ở miền Nam có đua ghe ngo, chơi bài…Tết là nét đẹp văn hóa đặc trưng của dân tộc ta, là món ăn tinh thần không thể thiếu, là dịp mọi người thêm gần gũi và xích lại gần bên nhau, cùng nhau trao yêu thương, những bữa cơm đoàn viên chứa chan tình cảm, những câu đối đỏ, những cành hoa đào, hoa mai, mâm ngũ quả đã trơ thành hình ảnh quen thuộc của ngày Tết mà bất kỳ người con đất Việt nào cũng ghi nhớ.
Cũng giống như bất cứ bạn nhỏ nào, em rất thích ngày Tết, không chỉ được nghỉ học, được mua quần áo mới, được ăn những món ngon mà ngày thường hiếm khi nào được thưởng thức, em còn háo hức khi đi mừng tuổi. Em cảm thấy thật may mắn khi mình sinh ra ở một đất nước giàu văn hóa như vậy, thế hệ chúng em sau này chắc chắn sẽ lưu giữ và phát triển nét đẹp này.
Bài văn thuyết minh về ngày Tết mẫu 2
Tết là dịp nhắc nhau về truyền thống uống nước nhớ nguồn
Nhắc đến Việt Nam là nhắc đến đất nước nhỏ bé nhưng kiên cường, những nét đẹp trong văn hóa cũng là một đặc trưng thường được nhớ đến. Các giá trị văn hóa được ghi nhận có ẩm thực, áo dài, nhã nhạc cung đình, cũng không thể không nói đến một nét đẹp văn hóa cổ truyền của dân tộc được bạn bè quốc tế ngưỡng mộ đó là ngày Tết cổ truyền.
Tết cổ truyền hay còn gọi là Tết nguyên đán là một ngày lễ quan trọng và lớn nhất trong năm của dân tộc ta. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, với những biến động của lịch sử hay sự phát triển của xã hội thì nét văn hóa này vẫn còn được lưu giữ, coi trọng và phát triển hơn nữa. Ngày Tết là dịp mọi người có cơ hội nhìn lại một năm nỗ lực, phấn đấu của bản thân, đặt mục tiêu tiếp theo trong năm tới. Tết là ngày mọi người đoàn viên bên mâm cơm ấm cúng, ai đi xa cũng cố trở về ăn bữa cơm cùng gia đình, chia sẻ niềm vui nỗi buồn với nhau. Tết là để bày tỏ lòng thành kính với gia tiên, giữ gìn truyền thống hàng ngàn đời uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Suy nghĩ về ngày Tết cổ truyền ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người con Việt từ khi sinh ra, dù có ở đâu, làm gì thì đến ngày Tết vẫn nhớ về quê hương. Thông thường bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp, sau khi làm lễ đưa ông Táo lên trời là không khí ngày Tết bắt đầu trở nên sôi động hơn, mọi người trong gia đình được phân chia nhiệm vụ rất rõ ràng, người thì lau dọn nhà cửa, bàn ghế, người sẽ gói bánh chưng, làm thịt gà, người sẽ đi chợ mua thịt, mua rau, mua quả. Ngày Tết thì không thể thiếu bánh chưng và mâm ngũ quả, cho dù giàu hay nghèo, cho dù miền Bắc hay Nam, cho dù nhà ít hay đông người thì 2 lễ vật này không thể không có. Bên bếp lửa bập bùng cùng với nồi bánh chưng phả khói thơm lừng ông bà sẽ kể cho con cháu nghe lịch sử dân tộc, kể về truyền thống gia đình, từ câu truyện truyền thuyết Lang Liêu dâng bánh chưng cho vua Hùng như muốn giáo dục con cháu về lòng biết ơn, về đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, truyền lại đến thế hệ sau này về cách giữ gìn truyền thống quý báu mà cả ngàn đời vẫn đang lưu giữ. Nói về mâm ngũ quả dâng lên bàn thờ gia tiên, tùy mỗi nơi một phong tục khác nhau nhưng nhất định mâm ngũ quả phải có 5 loại quả, thông thường sẽ có dưa hấu đỏ mang đến may mắn, đu đủ cầu cho năm mới đủ ăn đủ mặc, trái sung ý muốn được sung túc, sung sướng, ngoài ra còn có dừa, mãng cầu, chuối, cam quất. Phải sắp làm sao mâm ngũ quả phải đầy đặn, cân đối và đẹp cũng là một thử thách không phải dễ.
Tết mà thiếu hoa thì cũng không được gọi là một cái Tết đầy đủ, quả vậy, các loại hoa tô sắc cho không gian ngày Tết trở nên đẹp hơn, rực rỡ hơn. Ngoài các loại hoa được bày trên bàn, bàn thờ tổ tiên thì mọi người còn thường mua cả chậu về trang trí ngoài hiên, ngoài sân nhà. Cũng không thể kể thiếu đi những loại hoa đặc trưng của ngày Tết mà mỗi năm chỉ nở vào dịp này như hoa đào, hoa mai, chậu quất. Hoa được mua để chơi trước từ một tháng đến nửa tháng, mọi người đi qua trầm trồ, bình phẩm về dáng, về thế cây. Bắt đầu từ đêm 30 đến các ngày mùng 1, mùng 2, mùng 3 đều có tục cúng cơm gia tiên, trên mâm cơm nhất định phải có bánh chưng, dưa hành, nem và các món mặn khác, một mâm cơm đầy đủ thịnh soạn như muốn báo cáo với tổ tiên về một năm làm ăn khấm khá, no đủ, sung túc. Năm mới không thể không nhắc đến tục đi mừng tuổi, mọi người sẽ đến từng nhà người thân, bạn bè để mừng năm mới, chúc gia chủ một năm phát tài, phát lộc, nếu trong nhà có các vị bô lão sẽ chúc ông bà sống lâu, mạnh khỏe sau đó sẽ nhận lại từ gia chủ lời chúc và phong bao lì xì cho trẻ nhỏ. Đầu năm mọi người thường rất kiêng kỵ những điều xui rủi, nếu nhà ai có đám ma chay sẽ không đi đâu hết tránh những điều không may đến cho người khác, việc xuất hành đầu năm cũng rất quan trọng, hướng đi đầu năm mới sẽ ảnh hưởng đến danh lợi suốt cả năm sau nên trước khi xuất hành có người còn xem sách tử vi để chọn hướng mong mọi việc may mắn thuận lợi nhất.
Ngày nay Tết đã thay đổi một chút theo sự thay đổi của xã hội, những tục lệ rườm rà đã được lược bỏ bớt phần nào nhưng giá trị cốt lõi của nét đẹp ngày Tết cổ truyền thì không hề bị mai một.
Hy vọng sau khi đọc xong các bài văn mẫu trên các em có thể tự lên dàn ý và viết theo cảm nhận của mình về ngày Tết cổ truyền, chúc các em tự tin học tốt ngữ văn nhé.
Coi thêm ở : Top 2 bài văn thuyết minh về ngày Tết Nguyễn Đán hay nhất- văn mẫu lớp 8
by via Học Dễ - Giúp bạn học tập dễ dàng hơn - Feed
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét