Để giúp các em học sinh lớp 10 có thể học và làm tốt bài văn phân tích tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ trong tác phẩm “Chinh phụ ngâm” của Đăng Trần Côn, bài viết này cũng tôi sẽ hướng dẫn cách lập dàn ý chi tiết và những bài văn mẫu, phân tích hay cho các em tham khảo.
Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ
Dàn ý phân tích tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ
Mở bài:
- Giới thiệu về tác giả và tác phẩm
- Khái quát tâm trạng sầu bi chủ đạo của người chinh phụ trong suốt tác phẩm
Thân bài:
- Nỗi cơ đơn tột cùng của người chinh phụ được lột tả trong 8 câu thơ đầu:
- Cảnh ngộ của người chinh phụ là chồng đi đánh trận và phải ở nhà cô đơn một mình.
- Hành động của người chinh phụ lột tả sâu sắc cảnh ngộ ấy:
“Gieo từng bước” – bước chân chậm rãi
“Rủ thác đòi phen” – hành động lặp đi lặp lại nhiều lần trong vô thức
- Hành động của người chinh phụ không chủ đích dường như muốn giết thời gian, sự bần thần và cô đơn được lột tả trọn vẹn.
- Những hình ảnh xuất hiện:
Chim thước – loài chim báo tin lành nhưng lại không xuất hiện như người chinh phụ đang chờ ngóng tin chồng trong vô vọng.
Ngọn đèn: chỉ thời gian đêm khuya – người chinh phụ vẫn thức đợi và ngóng trông. Sự cô đơn lên đến đỉnh điểm khi không ai sẻ chia.
Hoa đèn – bóng người: Người chinh phụ trằn trọc nhớ chồng đến mức không còn chút sức sống nào. Tâm trạng cũng vì thế mà buồn sầu, nhớ nhung nhưng tất cả chỉ trong vô vọng.
- Lời độc thoại của người chinh phụ: thể hiện tâm trang buồn triền miên từ ngày này sang tháng khác. Nỗi lòng bi thương ấy chẳng nói lên lời và chẳng thể ngỏ cùng ai chỉ có thể tâm sự với những vật vô tri vô giác xung quanh. Với câu hỏi tu từ được sử dụng là lời khắc khoải tô đậm tâm trạng của nhân vật trong đoạn trích.
- Nỗi sầu muộn triền miên của người chinh phụ được lột tả trong 8 câu thơ tiếp theo
- Cảnh vật được tái hiện:
Gà eo óc, năm trống là những âm thanh của sự cô quạnh và lẻ loi, của sự trống vắng đêm khuya.
Cây hòe bên hiên nhà dường như không còn sức sống.
- Tất cả gợi sự lẻ loi, cô quạnh đến quặn lòng.
- Thời gian: Bằng biện pháp tu từ, tác giả thể hiện một giờ xa cách như một năm đằng đẵng, mối sầu ấy được tô đậm hơn và dàn trải.
- Hành động của người chinh phụ:
Miễn cưỡng đốt hương một cách gượng gạo. Đến đánh đàn cũng không cảm xúc, soi gương cũng là sự cố gắng nhưng tất cả đổi lại là lệ chan, là sự mê man trong nỗi sầu nỗi nhớ.
- Hình ảnh sắt cầm, dây duyên, phím loan xuất hiện đại diện cho hạnh phúc đôi lứa nhưng càng khiến người chinh phụ khắc sâu hơn tình cảnh chia lìa hiện tại
- Niềm thương nhớ chồng vô bờ của người chinh phụ trong 8 câu thơ tiếp theo
- Không gian
Tác giả sử dụng hình ảnh gió đông, non Yên – là hình ảnh ước lệ như người chinh phụ chỉ biết dùng gió đông gửi đến chồng nỗi nhớ thương.
Không gia và chẳng có điểm cuối với hình ảnh “đường lên bằng trời”
- Sự xa cách giữa người chinh phụ và chồng dường như đằng đẵng và trùng khơi.
- Tính chất của nỗi nhớ được thể hiện qua những từ láy “thăm thẳm” và “đau đáu” gợi độ sâu của nỗi nhớ cùng trạng thái nhớ nhung quay quắt trong lòng, chẳng lúc nào nguôi. Nỗi nhớ ấy cứ kéo dài vô tận trong thời gian và không gian vô tận, dằng dặc và khắc khoải.
- Tâm trạng của người chinh phụ được lột tả qua các hình ảnh
Cảnh buồn, thiết tha lòng: lòng buồn cảnh cũng buồn.
Cành cây sương đượm: sự lạnh lẽo buốt giá của không gian hay trong lòng người chinh phụ.
Tiếng trùng hoang vắng: đêm tịch mịch đến mức âm thanh của côn trùng nghe rõ rệt.
- Tâm trạng cô đơn nhưng tất cả nỗi niềm chỉ đổi lại sự vô vọng mà thôi.
Kết bài:
- Khái quát lại tâm trạng của người chinh phụ
- Thái độ của tác giả trước tâm trạng ấy: sự thương xót, đồng cảm. Từ đó lên án chiến tranh thời phong kiến đã gây ra cảnh chia lìa lứa đôi.
Phân tích tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ
Bài văn mẫu hay phân tích tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ
Được trích trong tác phẩm “Chinh phụ ngâm” của tác giả Đặng Trần Côn, đoạn trích “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ” đã thể hiện một cách chân thật và sâu sắc nỗi cô đơn, lẻ loi của người phụ nữ ngóng trông, nhớ thương người chồng đi chinh chiến nơi xa. Không chỉ mang ý nghĩa lớn về giá trị văn chương, tác phẩm còn mang ý nghĩa nhân đạo lớn lao.
Sau khi tiễn chông đi nơi biên ải xa xôi, người vợ trẻ mới trở về với cuộc sống hàng ngày – cuộc sống của sự lẻ bóng và cô đơn được khắc họa rõ nét qua 8 câu thơ đầu tiên:
“Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước
Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen”
Chỉ qua 2 câu thơ, tác giả đã vẽ ra trước mắt người đọc hình ảnh một người chinh phụ với hành động đi đi lại lại ngoài hiên, rồi cuốn rèm lên lại hạ rèm xuống. Dường như các hành động được thực hiện trong vô thức, chứ người chinh phụ vốn chẳng màng để tâm đến. Những hành động lặp đi lặp lại ấy phải chăng cũng để giết thời gian, chất chứa đầy nỗi lòng của người phụ nữ. Nỗi cô đơn cứ bủa vây xung quanh khi nàng phải sống một mình trong ngôi nhà đó.
“Ngoài rèm thước chẳng mách tin
Tring rèm, dường đã có đèn biết chăng”
Câu thơ này có sự xuất hiện của hình ảnh chim ô thước – loài chim may mắn luôn báo tin vui. Thế nhưng “chẳng mách tin” – chim ô thước không báo tin vui về làm người vợ trẻ lo lắng ngày đêm cho người chồng nơi sa trường, trận mạc. Nỗi day dứt trong lòng người chinh phụ càng được tô đậm với câu hỏi tu từ “Trong rèm, dường đã có đèn biết chăng”.
“Buồn rầu nói chẳng nên lời
Hoa đèn kia với bóng người khá thương”
Ngọn đèn là hỉnh ảnh chỉ thời gian đêm khuya – người chinh phụ vẫn thức đợi và ngóng trông. Sự cô đơn lên đến đỉnh điểm khi không ai sẻ chia. Hoa đèn – bóng người cho thấy người chinh phụ trằn trọc nhớ chồng đến mức không còn chút sức sống nào. Tâm trạng cũng vì thế mà buồn sầu, nhớ nhung nhưng tất cả chỉ trong vô vọng.
“Gà eo óc gáy sương năm trống
Hòe phất phơ rủ bóng bốn bên”
Tác giả tả cảnh nhưng thực chất để ngụ tình. Cảnh vật xuất hiện nhưng cũng chỉ để khắc họa rõ nét hơn, lột tả sâu sắc hơn tình cảnh của người chinh phụ mà thôi. Đúng như Nguyễn Du đã từng nói: Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ. Tâm trạng não nề của người chinh phụ đã nhuốm màu lên cảnh vật khiến cảnh vật và sự sống đều trở nên trống trải, hoang vắng và buồn bã tột cùng. Tiếng gà gáy vang vọng – dường như cả đêm khuya thanh vắng người chinh phụ chẳng thể ngủ được vì nỗi nhớ chồng. Tiếng gà ấy khắc khoải như khoan sâu thêm vào tâm trạng người phụ nữ đang đau đáu nhớ chồng. Cây hòe dường như cũng chẳng còn sức sống, chỉ phất phơ bên thềm. Nỗi nhớ, nỗi buồn ấy cứ đầy lên theo thời gian, cứ chồng chất lên theo thời gian và kéo dài ra đằng đẵng.
“Khắc giờ đằng đẵng như niên
Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa”
Một giờ xa cách như một năm, cứ trải qua từng khắc từng giờ, nỗi nhớ trong lòng người chinh phụ lại càng được nối dài dằng dặc như biển xa. Liệu có ai có thể thấu hiểu nỗi lòng ấy cho người chinh phụ hay không? Nỗi buồn ấy chẳng có điểm dừng, chẳng có hồi kết khiến tâm trạng của người chinh phụ bị đẩy lên tột cùng:
“Hương gượng đốt hồn đà mê mải
Gương gượng soi lệ lại châu chan
Sắt cầm gượng gảy ngón đàn
Dây uyên kinh đứt phím loan ngại ngùng”
Sự rối bời và cô đơn, buồn tủi của người chinh phụ khiến nàng làm bất cứ thứ gì cũng chỉ là sự gượng gạo và miễn cưỡng mà thôi. Nàng miễn cưỡng đốt hương mong thấy sự tỉnh táo thì tâm hồn lại mê man trong nỗi nhớ. Nàng miễn cưỡng soi gương để chải chuốt dung nhan lại nhìn thấy mình u sầu với lệ chan nhạt nhòa phản chiếu. Nàng định đánh đàn để giải khuây, để vơi bớt đi nỗi buồn, nỗi nhớ đang giăng kín trong lòng mình lại càng thêm sầu khổ bởi “dây uyên”, “phím loan” là đại diện của lứa đôi hạnh phúc khác hoàn toàn với thực tại nàng đang trải qua. Tất cả như đang cuộn xoáy trong lòng nàng, chất chứa thêm chẳng thể vơi bớt, chẳng thể giải tỏa cùng ai. Nàng hướng đến nơi biên ải xa xôi có người chồng nàng ngày đêm mong nhớ:
“Non Yên dù chẳng tới miền,
Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời.
Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu
Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong”
Không gian trở lên rộng lớn hơn, xa xôi hơn nhưng cũng chỉ toàn chất chứa nỗi buồn và cách biệt nghìn trùng chẳng thể nào đi tới. Trời thăm thẳm như chính nỗi nhớ trải dài trong triền miên không dứt, nỗi nhớ ấy còn có cả sự “đau đáu” ngóng trông trong vô vọng, mòn mỏi. Người chinh phụ cũng chỉ đành biết gửi tới người chồng nỗi nhớ qua gió miền, nhưng núi cao liệu gió có tới nơi?
“Cảnh buồn người thiết tha lòng,
Cành cây sương đượm tiếng trùng mưa phun”
Nỗi lòng của người chinh phụ đã trở nên quá bí bách cần được sẻ chia, nhưng ngoài cảnh vật xung quanh, người chinh phụ còn biết chia sẻ nơi ai. Dường như hiểu được nỗi lòng ấy, cảnh vật xung quanh cũng có sự đồng cảm. “Sương đượm” và “mưa phun” là sự lạnh giá như lòng nàng bây giờ cũng đã giá băng và tan nát theo từng nỗi nhớ.
Bằng thể thơ song thất lục bát với giọng thơ buồn bi thương kết hợp các biện pháp nghệ thuật tư từ tác giả Đặng Trần Côn đã lột tả trọn vẹn tỉnh cảnh lẻ loi, tâm trạng buồn khổ, nỗi nhớ mong day dứt của người chinh phụ ấy. Không chỉ dừng lại ở giá trị văn chương, thông qua tác phẩm này tác giả bày tỏ sự xót thương và đồng cảm sâu sắc với thân phận phụ nữ có chồng đi chinh chiến xa nhà đồng thời còn gián tiếp lên án chiến tranh phong kiến đã gây ra cảnh chia ly và thậm chí cảnh nước mất, nhà tan…
Trích đoạn “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ” chỉ là diễn biến tâm trạng của người phụ nữ đợi chồng, chờ chồng chinh chiến nơi xa nhưng bằng tài năng và tấm lòng của mình, Đặng Trần Côn đã tái hiện thật đặc sắc, sâu đậm nỗi lòng ấy.
Xem thêm bài nguyên mẫu tại : Phân tích tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ – Văn mẫu lớp 10
by via Học Dễ - Giúp bạn học tập dễ dàng hơn - Feed
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét